Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

WHO: Cho học sinh nghỉ học căn cứ mức độ nguy cơ dịch

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/2 đưa ra các khuyến nghị mới dựa vào diễn biến dịch Covid-19 trong tuần.

1. Người nhiễm Covid-19 có thể bị bệnh nặng đến mức nào?

Virus này có thể gây ra các triệu chứng nhẹ giống như cúm nhưng cũng có thể gây bệnh nặng. Bệnh nhân sẽ xuất hiện một loạt triệu chứng. Bệnh này có thể gây bệnh nặng ở một số người, nhưng hầu hết chỉ mắc bệnh nhẹ. Vì vậy, những gì chúng ta thấy hiện nay không giống như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hoặc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Trong khi những thông tin về dịch bệnh này đang thay đổi nhanh chóng thì tỷ lệ tử vong hiện nay là khoảng 2%, và tỷ lệ nguy kịch khoảng 3%. Thống kê các trường hợp tử vong cho thấy, những người lớn tuổi mắc các bệnh lý nền (bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc bệnh mạn tính khác như ung thư) vốn dĩ có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ, có tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể.

2. Virus có thể lây truyền trước khi xuất hiện triệu chứng ở người bệnh?

Những báo cáo gần đây cho thấy những người bị nhiễm nCoV có thể lây bệnh sang cho những người khác ngay cả khi chưa có những triệu chứng rõ ràng. Song, những dữ liệu hiện có chỉ ra rằng những người có triệu chứng mới là nguồn lây bệnh chính.

3. Virus có thể lây qua khí dung (aerosol) không?

Một số người đang đánh đồng khí dung (aerosol) tức là lây truyền qua không khí. Các giọt bắn, tiếp xúc trực tiếp và truyền qua không khí là các cách truyền bệnh truyền nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, các giọt bắn có kích thước quá lớn và nặng nên không thể bay lơ lửng trong không khí trong thời gian dài, do đó hầu hết chúng bám vào các vật tiếp xúc trong khoảng cách gần.

Hiện tại, bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Covid-19 lây lan qua tiếp xúc và giọt bắn. Chính quyền Trung Quốc đã làm rõ rằng không có bằng chứng cho thấy khí dung (aerosol) là đường truyền chính cho virus này. Đây là virus mới, cần tiếp tục theo dõi các đường lây truyền có thể.

Học sinh Trường liên cấp Tiểu học - THCS Ngôi sao Hà Nội đeo khẩu trang y tế trong giờ học, ngày 31/1. Ảnh: Ngọc Thành.

Học sinh Trường liên cấp Tiểu học - THCS Ngôi sao Hà Nội đeo khẩu trang y tế trong giờ học, ngày 31/1. Ảnh: Ngọc Thành.

4. Có thuốc đặc hiệu nào phòng ngừa và điều trị Covid-19?

Đến nay, chưa có một loại thuốc nào được khuyến nghị sử dụng trong việc phòng ngừa và điều trị virus mới này. Tuy nhiên, những người nhiễm nCoV sẽ được điều trị triệu chứng, và những trường hợp nặng sẽ được điều trị hỗ trợ tối ưu. Một số phương pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm trên lâm sàng. WHO đang điều phối những nỗ lực phát triển thuốc điều trị đặc hiệu nCoV cùng với một số đối tác.

Để tránh bị nhiễm virus corona, hãy giữ gìn vệ sinh tay và hô hấp cơ bản, thực hiện an toàn thực phẩm. Nếu có thể, tránh tiếp xúc gần với những người có những triệu chứng của các bệnh về hô hấp như ho hay hắt hơi.

Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu bạn bị sốt, ho kéo dài và cảm thấy khó thở, hãy đi khám để giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nên nặng hơn. Hãy cho nhân viên y tế biết bạn đã đi những đâu trong thời gian gần đây.

5. Về vaccine thì sao?

Hiện không có vaccine phòng bệnh, nhưng việc sản xuất vaccine đang được tiến hành để các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu sau 3-4 tháng. WHO sẽ công bố danh sách ban đầu các loại vaccine đang được nghiên cứu và có thể thử nghiệm lâm sàng này.

6. Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với loại virus này?

Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi - bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ, theo như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (IHR).

Đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và dịch thuật bây giờ là Covid-19.

WHO ghi nhận Việt Nam đã xử lý dịch bệnh này rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.

7. WHO khuyến nghị gì riêng với Việt Nam?

Dự kiến sẽ có thêm các trường hợp nhiễm virus corona mới trong những ngày tới. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh. Cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp, tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO như yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế.

8. WHO khuyến nghị áp dụng đóng cửa biên giới không?

Dựa trên thông tin hiện có, WHO không khuyến nghị bất kỳ sự hạn chế nào với các hoạt động đi lại hoặc thương mại.

WHO kêu gọi tất cả quốc gia đưa ra các quyết định hợp lý, dựa trên bằng chứng và nhất quán. Theo yêu cầu của Điều lệ y tế quốc tế (2005), khi PHEIC được ban bố, các quốc gia phải thông báo cho WHO khi thực hiện bất kỳ biện pháp nào về hạn chế đi lại.

9. Việc cho học sinh nghỉ học hoặc hủy bỏ các sự kiện công cộng ở Việt Nam, WHO khuyến nghị gì?

Cơ quan chức năng của các quốc gia đưa ra quyết định về các biện pháp bổ sung, ví dụ cho học sinh nghỉ học hoặc hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người, căn cứ vào mức độ nguy cơ ở quốc gia đó.

Lê Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét